Xôi gấc là món ăn truyền thống và quen thuộc mà ai cũng đều biết đến. Món ăn này thường xuất hiện trong các dịp đám cưới, đám giỗ hoặc lễ Tết. Bởi hương vị thơm ngon mà xôi gấc dần trở thành món ăn sáng hoặc ăn vặt của nhiều người.
Để nấu được món xôi gấc vừa dẻo vừa thơm mà màu sắc còn phải đẹp mắt không phải là điều đơn giản đâu nhé. Đừng lo lắng, bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các bạn cách nấu xôi gấc thơm ngon, chuẩn vị hấp dẫn khiến ai ăn cũng tấm tắc khen ngon.
Những cách nấu xôi gấc thơm ngon
Hướng dẫn cách nấu xôi gấc nước cốt dừa
Nhắc đến xôi gấc, nhiều người thường sẽ nghĩ ngay đến món xôi gấc nước cốt dừa. Xôi dẻo, mềm kết hợp cùng vị béo ngậy của nước cốt dừa hòa quyện vào nhau tạo nên mùi vị lưu luyến khó quên. Để có được món xôi gấc ngon tuyệt vời thì các bạn hãy cùng chúng tôi tham khảo công thức dưới đây nhé.
Nguyên liệu cần chuẩn bị nấu xôi gấc nước cốt dừa
Số lượng gạo nếp: 2 bát
Số lượng nước cốt dừa: 100ml
Số lượng quả gấc: ½ quả
Số lượng lá dứa: 5 lá
Số lượng đường: 70g
Gia vị cần sử dụng: muối, rượu trắng, dầu ăn.
Cách thực hiện nấu xôi gấc nước cốt dừa
Trước khi bắt đầu nấu, các bạn cần vo sạch gạo nếp. Sau đó, các bạn ngâm chúng trong nước ít nhất là 4 tiếng trước khi nấu để nếp nở ra hoàn toàn. Lưu ý: các bạn chỉ nên vò từ 2-3 lần với nước sạch là được. Ngoài ra, sẽ có hai cách để ngâm gạo nếp. Nếu bạn ngâm trong nước ấm thì chỉ cần ngâm 4 tiếng, còn nếu bạn ngâm trong nước lạnh thì cần phải ngâm từ 6-8 tiếng (tức là phải ngâm trước 1 đêm) để nếp nở ra.
Đối với quả gấc, các bạn cần rửa sạch rồi tách quả gấc ra và lấy phần thịt bên trong. Kế đến thì bạn chuẩn bị một bát lớn để thịt quả gấc cùng một thìa rượu trắng. Đồng thời, đeo găng tay và dùng tay bóp nhuyễn thịt gấc cho đến khi tách được phần hạt đen ra và lấy rây lọc thật mịn để lấy phần nước cốt, còn phần bã thì bỏ đi.
Tiếp theo là bước đổ xôi gấc. Gạo nếp sau khi đã ngâm xong thì các bạn hãy xóc cho thật ráo. Sau đó thì cho nếp trộn chung với ¼ muỗng muối rồi trộn tiếp với nước gấc.
Kế tiếp thì bạn chuẩn bị một xửng hấp và cho nếp đã được trộn vào bên trong xửng. Tiếp theo thì đổ nước vào bên trong nồi hấp và vặn lửa lớn. Lưu ý: chỉ đổ khoảng 1/3 dung tích nồi hấp thôi nhé.
Khi thấy nước đã sôi thì hạ lửa nhỏ xuống và đặt xửng hấp lên phía trên. Sau khi đã hấp được khoảng 10 phút thì các bạn cho phân nửa nước cốt dừa đã chuẩn bị vào bên trong xửng và trộn chung. Tiếp tục hấp thêm 20 phút nữa thì cho số nước cốt dừa còn lại và vẫn trộn đều, hấp thêm 10 phút nữa. Qua 10 phút, các bạn có thể lấy xửng xôi ra ngoài.
Ngoài cách nấu xôi bằng xửng hấp thì chúng tôi còn muốn chia sẻ đến các bạn cách nấu xôi bằng nồi cơm điện. Do đó, đừng lo lắng khi không có xửng hấp nhé. Với phương pháp này, các bạn cũng cho toàn bộ gạo nếp đã được trộn với gấc vào bên trong nồi.
Đồng thời, cũng đổ nước gần xấp mặt xôi và bấm nút “cook” như nấu cơm bình thường. Khi thấy nồi điện bật xuống nút “warm”, bạn cho thêm đường cùng muỗng canh dầu mè, trộn đều và bật lại nút “cook”. Đợi cho đến khi trở về nút “warm” thì các bạn lấy ra là hoàn thành.
Trình bày và thưởng thức xôi gấc nước cốt dừa
Sau khi lấy xửng xôi ra ngoài, các bạn có thể để vào khuôn hoặc sử dụng chén để tạo hình dạng cho xôi thêm đẹp. Đồng thời, các bạn trước khi ăn nên rắc một ít dừa nạo và muối mè lên phía trên để tăng thêm mùi vị và trông bắt mắt hơn. Miếng xôi dẻo, mềm cùng hương béo ngọt từ dừa kết hợp chút mặn của muối mè thì còn gì bằng. Các bạn đã thấy thèm chưa nào. Vậy sao thử làm ngay món xôi gấc nước cốt dừa thơm ngon cho gia đình thưởng thức đi nào.
Hướng dẫn cách nấu xôi gấc đậu xanh nước cốt dừa
Bên cạnh món xôi gấc nước cốt dừa thì món xôi gấc đậu xanh cũng món ăn góp mặt rất nhiều trong các lễ cưới, tân gia hay lễ Tết. Bởi người ta tương truyền rằng, màu đỏ của xôi gấc tượng trưng cho sự may mắn và bình an, còn màu vàng của đậu xanh tượng trưng cho sự giàu sang và phú quý. Chính vì vậy, món ăn này có ý nghĩa chúc gia chủ bình an, phú quý và sung túc. Đó là lý do vì sao nhiều người thường chọn món xôi này trong các dịp lễ quan trọng.
Nguyên liệu cần chuẩn bị nấu xôi gấc đậu xanh nước cốt dừa
Số lượng gạo nếp: 500g
Số lượng đậu xanh cà vỏ: 150g
Số lượng gấc chín: 200g
Số lượng đường: 100g
Số lượng nước cốt dừa: 100ml
Gia vị cần sử dụng: rượu trắng, muối, dầu ăn
Cách thực hiện nấu xôi gấc đậu xanh nước cốt dừa
Đầu tiên, các bạn cần sơ chế các nguyên liệu. Các bạn cho gạo nếp vào ngâm nước khoảng thời gian từ 6-8 tiếng để gạo nở ra (hoặc có thể ngâm qua đêm). Sau đó, bạn xóc gạo để loại bỏ sạn và rửa sạch gạo rồi để ráo. Kế tiếp, bạn cho một ít muối trộn đều với gạo nếp.
Các bạn cũng đem đậu xanh ngâm với nước trong khoảng thời gian từ 3-4 tiếng trước khi nấu. Khi đậu xanh đã mềm và nở thì đem rửa sạch rồi để ráo.
Gấc đem đi cắt đôi và lấy phần thịt. Các bạn đeo bao tay và trộn lần lượt các nguyên liệu sau: 1 muỗng cà phê rượu trắng, 2 muỗng cà phê dầu ăn và ¼ muỗng cà phê muối, bóp that nhuyễn để loại bỏ hạt đen và dùng rây để lọc mịn hỗn hợp.
Tiếp theo, các bạn cho gạo nếp đã ráo cùng nước cốt gấc đã lọc mịn trộn đều với nhau. Sau đó, các bạn để yên chúng trong vòng 5 phút để nếp thấm màu của nước gấc.
Kế tiếp, các bạn chuẩn nồi hấp và đổ khoảng 1/3 nước vào nồi rồi đun sôi. Kế tiếp, rải đều gạo nếp đã trộn vào xửng hấp. Mẹo nhỏ giúp xôi mau chín hơn là các bạn dùng đũa tạo một lỗ tròn nhỏ lên trên gạo giúp thoát nước nhanh hơn thì xôi sẽ nhanh chín hơn.
Các bạn nên vặn lửa to để nước trong nồi hấp nhanh sôi. Khi thấy nước đã sôi thì hạ nhiệt độ lửa xuống tí xíu và đặt xửng hấp vào bên trong rồi vặn lửa lớn lại, hấp chúng trong vòng 30 phút. Lưu ý: các bạn thi thoảng nên dùng đũa xới đều gạo lên để khi xôi chín sẽ chín và đều màu hơn. Vặn lửa lớn trong quá trình hấp sẽ giúp hạt xôi tơi hơn. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tham khảo cách nấu xôi bằng nồi cơm điện ở phần trên nhé.
Khi đã thấy xôi chín và mềm hơn thì các bạn cho từ từ 100ml nước cốt dừa vào bên trong và trộn đều. Các bạn cho thêm một ít dầu ăn để giúp hạt xôi được bóng hơn. Sau đó thì đậy đắp lại và hấp thêm khoảng 10 phút nữa.
Sau khoảng 10 phút thì các bạn rắc thêm 70g đường giúp tạo vị ngọt nhẹ cho xôi. Tiếp tục hấp xôi thêm 10 phút nữa để đường ngấm hết vào từng hạt xôi. Khi xôi ngấm vị hết thì tắt bếp.
Khi đã xong phần làm xôi thì tiếp tục đến phần làm đậu xanh. Các bạn chuẩn bị nồi nước (đổ nước khoảng 1/3 nồi) và bắt đầu cho từ từ đậu xanh vào cùng với 1/3 muỗng cà phê muối để luộc chín. Nếu thấy nước còn quá nhiều thì bạn đổ bớt nước ra ngoài, chỉ để khoảng 70ml nước trong nồi.
Tiếp tục đun nồi đậu xanh trong thời gian là 20 phút. Khi thấy đậu đã chín và mềm thì cho 30g đường và dùng muỗng (hoặc đũa) đánh đều tay sao cho thật nhuyễn, bở và có mùi thơm. Làm như vậy cho đến khi thấy đậu đã đặc quánh lại thì tắt bếp và để nguội.
Cuối cùng là chuẩn bị một cái khuôn để tạo hình cho xôi. Các bạn chuẩn bị khuôn nhựa hoặc khuôn inox và cho lần lượt theo thứ tự sau: một lớp xôi gấc, một lớp đậu xanh, xôi gấc- đậu xanh cho đến khi hết khuôn thì thôi. Đến lớp cuối cùng thì dùng muỗng và ép chặt thật chặt. Sau đó thì lấy xôi ra khỏi khuôn và rắc ít dừa nạo, muối mè lên cho đẹp mắt.
Yêu cầu và trình bày thành phẩm xôi gấc đậu xanh nước cốt dừa
Về yêu cầu: xôi gấc đúng chuẩn phải có màu cam đẹp mắt. Xôi phải mềm, dẻo và có mùi thơm ngào ngạt của xôi và độ béo ngậy của nước cốt dừa. Đồng thời, trong xôi không có lẫn cùi gấc hay hạt gấc và phải có độ kết dính tốt. Ngoài ra, hạt xôi phải căng bóng, không bị sượng hay nhão. Xôi khi ăn vào phải có vị ngọt vừa phải, không quá ngọt hay nhạt.
Về trình bày: đặt xôi vào dĩa trắng hoặc dĩa thủy tinh. Khi lấy xôi ra khỏi khuôn thì lớp đậu xanh phải ở trên cùng rồi đến dừa nạo và chút ít muối mè là hoàn thành.
Hướng dẫn cách nấu xôi gấc hạt sen
Xôi gấc không chỉ có xôi gấc đậu xanh hay xôi gấc nước cốt dừa mà còn có món xôi gấc hạt sen nước dừa. Sự kết hợp giữa vị bùi bùi của hạt sen, vị béo ngậy nước dừa cùng vị thơm lừng của xôi gấc tạo nên món ăn tuyệt vời khiến bạn không thể nào cưỡng lại. Việc kết hợp thêm hạt sen vào xôi gấc cũng rất tốt cho sức khỏe. Và công thức dưới đây sẽ giúp bạn có được món xôi gấc hạt sen ngon thơm và chuẩn vị.
Nguyên liệu cần chuẩn bị nấu xôi gấc hạt sen
Số lượng gạo nếp: 500g
Số lượng gấc: 1 quả
Số lượng hạt sen: 200g
Gia vị cần chuẩn bị: đường, muối, dầu ăn, vừng rang.
Cách thực hiện nấu xôi gấc hạt sen
Đầu tiên, các bạn cần ngâm gạo nếp trước một đêm. Thời gian để giúp gạo nếp nở ra hoàn toàn là ngâm trong khoảng từ 6-8 tiếng là tốt nhất. Trong thời gian ngâm, các bạn nhớ chà khoảng từ 2-3 lần.
Sau khi đã ngâm xong thì các bạn xóc gạo từ 2-3 lần để loại bỏ các hạt sạn lẫn trong gạo nếp. Sau đó, các bạn trộn ¼ thìa cà phê muối và xóc đều lần nữa.
Đối với hạt sen, các bạn sau khi mua về thì vo sạch và ngâm trong nước ấm khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Gấc sau khi đã bổ đôi thì các bạn dùng muỗng nạo lấy phần thịt. Sau đó, các bạn cho các nguyên liệu gồm: 1 thìa cà phê rượu trắng, 2 thìa cà phê dầu ăn cùng ¼ thìa cà phê muối. Tất cả trộn chung với thịt gấc và bóp đều tay cho đến khi ra nước cốt. Các bạn dùng rây lọc mịn để loại bỏ chất cặn và hạt còn sót trong nước gấc.
Sau khi ngâm hạt sen khoảng 1 tiếng thì vớt ra ngoài. Các bạn bắc nồi nước đun sôi và để từ từ hạt sen vào. Ninh cho đến khi các bạn quan sát thấy hạt sen chín và mềm thì vớt chúng ra ngoài. Tiếp tục cho hạt sen vào cối hoặc máy xay sinh tố để nghiền nhỏ chúng.
Đến đây, chúng ta sẽ bắt tay vào giai đoạn nấu xôi gấc. Xôi gấc ngon, mềm và dẻo hay không quan trọng là giai đoạn này. Do đó, bạn cần chú ý kỹ các bước sau. Các bạn cần chuẩn bị nồi hấp và đổ khoảng 1/3 nước vào nồi rồi đem đi đun sôi. Trong thời gian đó, các bạn trộn gạo nếp đã ráo trộn cùng nước cốt gấc và hạt sen giã nhuyễn thật đều tay.
Kế đến, các bạn xếp hỗn hợp gạo nếp vào trong xửng. Quan sát thấy nước trong nồi hấp đã sôi sùn sụt thì để xửng vào bên trong và hạ lửa nhỏ xuống một ít. Hấp trong khoảng thời gian là 30 phút và dặn lửa to lại như ban đầu. Khi thấy xôi đã chín và mềm thì các bạn cho một ít dầu vào trong để giúp hạt xôi được tơi hơn khi chín. Đậy nắp lại và tiếp tục hấp thêm 10 phút nữa.
Sau khoảng 10 phút, các bạn cho khoảng 70g đường vào trong xôi và hấp tiếp 10 phút nữa. Làm như vậy sẽ giúp đường tan ra và thấm đều vào từng hạt xôi. Các bạn cũng có thể dùng đũa để xới xôi lên để hạt xôi vừa thấm vị vừa chín và đều màu hơn.
Sau khi đã xôi đã chín thì vớt ra và tắt bếp. Trải qua các công đoạn cầu kỳ thì cũng đã có được món xôi gấc hạt sen thơm ngon rồi đấy. Và bây giờ là tới công đoạn tạo hình cho xôi thêm đẹp mắt. Các bạn chuẩn bị khuôn hình mà mình thích rồi để xôi vào bên trong cho đầy khuôn. Tiếp theo thì ấn thật chặt lớp xôi cuối cùng để có hình chuẩn và đẹp.
Khi đã xong phần tạo hình thì các bạn để ra dĩa và rắc ít dừa nạo cùng muối mè lên phía trên vừa để ăn kèm vừa khiến món ăn trở nên đẹp hơn, không quá đơn điệu.
Những bí quyết giúp nấu xôi ngon
Thứ nhất, thời gian nấu xôi
Mặc dù xôi gấc rất ngon và hấp dẫn nhưng thông thường để làm được xôi gấc rất lâu. Do đó, món xôi này rất ít người chịu nấu. Vì vậy, để xôi có thể nhanh chín hơn mà còn phải mềm và dẻo thì các bạn nên ngâm gạo trước khi nấu, ít nhất là 1 đêm và sáng hôm sau nấu là được.
Thứ hai, xôi chín đều
Xôi không những thơm mà còn phải chín đều mới ngon. Để xôi chín đều không hề khó mà các bạn chỉ cần lưu ý vài mẹo nhỏ là được. Khi để gạo vào xửng hấp, các bạn không nên cho cùng một lúc mà hãy để từng nắm nhỏ vào và xếp trải đều. Lưu ý: các bạn nên để cách khoảng 4-6 lỗ nhỏ ở giữa nhằm giúp hơi nước tỏa ra (các bạn có thể dùng đũa để tạo lỗ dễ dàng hơn nhé).
Ngoài ra, khi cho nước trong nồi hấp, bạn không nên cho nước quá ít hay quá đầy. Các bạn chỉ nên cho 1/3 lượng nước vào nồi là đủ. Làm như vậy, xôi sẽ chín đều và ngon hơn. Thêm nữa, khi nấu xôi, các bạn cũng nên lưu ý đến nước trong nồi hấp. Nước trong nồi không nên quá cạn mà phải luôn xâm xấp bởi vì nếu không sẽ khiến xôi chưa kịp chín mà nước đã hết thì không được nhé. Bạn cũng nên châm thêm nước để nước không bị cạn nhé.
Thứ ba, chữa xôi bị khô
Nhiều bạn khi mới bắt đầu nấu xôi sẽ dễ gặp tình trạng xôi bị khô. Đừng lo lắng, các bạn chỉ cần nước ấm lên bề mặt xôi. Sau đó, các bạn dùng khăn mỏng và sạch rồi thấm ít nước. Kế tiếp thì phủ khăn đó lên bề xôi và hấp trong khoảng thời gian 5 phút nữa. Làm như vậy sẽ giúp xôi không bị khô và mềm hơn.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể giúp xôi mềm hơn khi nấu bằng cách hấp xôi hai lần. Nghĩa là lần thứ nhất, sau khi đã hấp xôi chín thì các bạn để ra ngoài dĩa và chờ nguội. Khi xôi nguội thì các bạn tiếp tục để xôi vào xửng và hấp tiếp lần thứ hai. Như vậy, xôi khi ra lò sẽ mềm và dẻo hơn.
Thứ tư: lựa chọn nguyên liệu
Để có được món ăn ngon thì bạn phải lựa chọn nguyên liệu thật kỹ. Đối với xôi gấc cũng vậy, việc lựa chọn nguyên liệu vô cùng quan trọng. Ngoài việc lựa chọn nếp ngon thì các nguyên liệu như: gấc, đậu xanh hay hạt sen cũng vậy. Gấc phải là trái tròn, đẹp, gai nhọn nở đều và màu vỏ phải là màu cam sẫm. Tuyệt đối không được lựa những trái bị dập, có vết nứt vì đó là những trái hư, không ngon. Hạt sen hay đậu xanh phải lựa hạt không tẩm chất bảo quản, tẩm màu và đã trải vỏ sạch.
Trên đây là tổng hợp 3 cách nấu xôi gấc với nhiều kiểu khác nhau. Không chỉ vậy, bài viết còn chia sẻ một số mẹo vặt giúp món xôi trở nên ngon và hấp dẫn. Hy vọng qua đó, các bạn sẽ có thể nấu được món xôi tuyệt vời cho gia đình cùng thưởng thức nhé.